-
-
-
Total payment:
-
Phát triển vùng nguyên liệu mây tre đan: thách thức và tiềm năng
30/09/2021
DC
Hiện nay khoảng 35-42% các cơ sở mây tre đan đang phải sản xuất cầm chừng và tệ hại hơn là đối đầu với nguy cơ đóng cửa vì thiếu và không chủ động được nguyên liệu. Việc thiết lập những vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung là một nhu cầu bức bách hiện nay đối với nước ta.
Ngành nghề Tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ (TTCN-TCMN) mây tre đan nước ta đang có bước phát triển ngoạn mục trong vài thập niên qua. Hiện có khoảng 713 làng nghề mây tre đan trong tổng số 2017 làng nghề trên toàn quốc và hơn 1700 doanh nghiệp có liên quan đến sản xuất kinh doanh mây tre đan. Doanh số xuất khẩu mây tre đan của năm 2007 là 219 triệu đô la với mức tăng trưởng bình quân là 30%/năm. Riêng giá trị sản xuất của ngành tre nứa là 1.2 tỷ USD Mỹ trong đó 900 triệu đô-la có tác động trực tiếp đến người nghèo. Ngành nghề này cũng đã tạo ra gần nửa triệu việc làm thường xuyên và bán thời gian vốn có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết lao động nhàn rỗi trong nông thôn. Chính phủ đã đặt ra kế hoạch đối với xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ là 1,5 tỷ USD vào năm 2010 trong đó hàng mây tre phải đạt con số 600 triệu USD.
Tuy nhiên, một thực trạng nghiêm trọng hiện nay là khoảng 35-42% các cơ sở đang phải sản xuất cầm chừng và tệ hại hơn là đối đầu với nguy cơ đóng cửa vì thiếu và không chủ động được nguyên liệu. Hằng năm chúng ta vẫn cứ nhập một lượng nguyên liệu lớn mây tre với giá cao hơn trong nước từ 15-20%. Tài nguyên mây tre trong nước thì có nhiều, nhưng cũng cạn kiệt dần do những khai thác bất hợp lý, khai thác quá mức ở những nơi và điều kiện đường sá cho phép, làm cho số lượng và chất lượng nguyên liệu giảm trầm trọng. Trữ lượng khai thác mây cũng giảm đi thấy rõ, từ 80.000 tấn năm 1989 xuống còn 20.000 tấn năm 2005. Nguyên liệu tre nứa thì tập trung ở miền núi, làng nghề với nguồn lao động dồi dào lại tập trung ở đồng bằng, sơ chế thì chưa phát triển, hạ tầng miền núi cũng còn khó khăn, nên hai nguồn tài nguyên có giá trị ở cách xa nhau chưa có điều kiện tốt nhất để hợp lại với nhau tạo ra giá trị và của cải cho xã hội. Một vấn đề đáng lưu ý nữa là ngành nghề TTCN-TCMN mây tre cần những loại nguyên liệu rất đặc trưng ví dụ như giang, lùng, luồng, tầm vông, nứa đối với tre và mây tắt. mây nếp, mây nước, song, hèo.. trong đó tổng lượng tre nứa khai thác dành cho sản xuất TTCN-TCMN không nhiều, chỉ trên dưới 30%, còn lại đi vào các ngành xây dựng và sản xuất bột giấy. Như vậy, rõ ràng là ngành nghề TTCN-TCMN mây tre đan đang đối mặt nghiêm trọng với việc thiếu nguyên liệu. Và rõ ràng là việc thiết lập những vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung là một nhu cầu bức bách hiện nay đối với nước ta.
Đâu là cơ hội?
Về thị trường thì các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy là mây tre có một thị trường cực kỳ triển vọng. Bằng việc xây dựng mô hình Kinh tế, các giáo sư Đại học Sydney – Úc đã dự đoán thị trường thế giới về tre nứa có thể đạt đến 17 tỷ đô la/năm vào năm 2017 so với 7 tỷ USD Mỹ hiện nay (Trung Quốc chiếm khoảng 5.5 tỷ USD). Trong đó các sản phẩm có tốc độ phát triển mạnh nhất là đồ gỗ bằng tre nứa, ván sàn và ván tấm. Còn tổng khối lượng của thị trường mây các loại của thế giới hiện nay cũng đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó Indonesia chiếm hơn 64% thị phần và tốc độ tăng trưởng bình quân/năm là 10%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mây tre đan hiện nay của Việt Nam cũng khoảng 25% mỗi năm. Việt Nam cũng được cho là nước có lợi thế cạnh tranh hơn Trung quốc về sản xuất các mặt hàng này do giá lao động trung bình của nước ta hiện nay là 50 USD/tháng trong khi ở Trung quốc là 150 USD/tháng. Chi phí chế biến một tấn tre nứa nguyên liệu ở Việt Nam hiện nay chỉ 40 USD sao với 100 USD của Trung quốc.
Về nguyên liệu tự nhiên thì hiện nay nước ta có hơn 1 triệu ha tre nứa dưới các loại rừng khác nhau. Trong đó diện tích có thể khai thác bền vững được là 354.000 ha với tổng trữ lượng khoảng 4,3 tỷ cây và sản lượng có thể khai thác hằng năm có thể đạt 432 triệu cây. Ngoài ra ở Thanh Hoá và Nghệ An đã thiết lập được 80,000 ha nguyên liệu luồng chuyên canh, phục vụ cho tiêu thụ chế biến ở địa phương và các tỉnh lân cận.
Hiệu quả kinh tế quá hấp dẫn của việc trồng nguyên liệu mây và tre đã rộ lên phong trào trồng mây rộng khắp trên cả nước. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng hiệu quả trồng luồng ở Thanh Hoá hiện nay là 4 triệu đồng/ha/năm cao hơn rất nhiều so với những cây lâm nghiệp khác như bạch đàn và keo. Hiệu quả kinh tế của việc trồng mây là một câu chuyện hết sức ngoạn mục mà nghiên cứu chúng tôi đã tìm ra. Đối với trồng mây nguyên liệu ở Thái Bình và Quảng Nam, hiệu quả kinh tế đạt từ 16-28 triệu đồng/ha/năm ở quy mô hộ gia đình (hộ ông Vũ Xuân Đức xã Bình Minh, Kiến Xương, Thái Bình) và 19 triệu đồng/ha/năm với quy mô doanh nghiệp (Công ty CP Song Mây Dũng Tấn - xã Thượng Hiền, Kiến Xương, Thái Bình).
Hiện nay quỹ đất lâm nghiệp trong dân cũng rất lớn. Đến nay đã có khoảng 8,1 triệu ha đất lâm nghiệp đã giao cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Trong đó có 3,2 triệu ha đã giao và cấp giấy chứng nhận cho 1,102 triệu hộ gia đình với diện tích trung bình khoảng 2,87 ha/hộ. Tuy nhiên số liệu gần đây của Bộ chủ quản đã chỉ ra rằng chỉ có 20-30% diện tích đất lâm nghiệp đã sử dụng đúng mục đích, có nghĩa là 70-80% diện tích còn lại chưa được sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích. Như vậy, phải nói rằng tiềm năng đất lâm nghiệp trong hộ dân rất lớn, nhưng việc có tập hợp được thành vùng rộng lớn để trồng nguyên liệu lại là vấn đề khác. Đó là chưa kể quỹ đất khổng lồ hiện nay đang nằm trong tay của 355 lâm trường trên toàn quốc, nơi mà khả năng hình thành các vùng nguyên liệu lớn hàng ngàn ha đang được mong đợi.
Về vốn đầu tư thì hiện nay bà con vẫn khó tiếp cận, nhưng đã xuất hiện nhiều liên kết ứng vốn trồng và khai thác lâm sản, đặc biệt là nguyên liệu tre nứa. Với quyền sử dụng đất sẵn có thì đây sẽ là một nguồn vốn có ý nghĩa để liên kết đầu tư trong tương lai.
Đâu là cản trở?
Như đã đề cập, tuy số lượng và diện tích tre nứa tự nhiên lớn như thế nhưng không phải nơi nào cũng khai thác được chủ yếu do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép và sơ chế ở các vùng này chưa phát triển. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hàng trăm triệu cây tre nứa, nhưng chỉ một tỷ lệ rất nhỏ trong số này được sử dụng trong ngành nghề mây tre. Tỉnh Nghệ An mỗi năm tiêu thụ 52,5 triệu cây tre nứa trong đó làm bột giấy và xây dựng cơ bản là 35 triệu cây, chỉ có 17,5 triệu cây là cho TTCN-TCMN, chiếm khoảng 22% tổng lượng tre nứa khai thác trên địa bàn tỉnh. Ở Thanh Hoá, tỷ lệ này là 16%.